Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

CHỈ DẪN TRUYỀN THÔNG



I. MỤC TIÊU & HOẠT ĐỘNG
          (VISION & MISSION)

   A. MỤC TIÊU CHÍNH (VISION, VIỄN TƯỢNG)

Trong Lời Chủ Chăn tháng 4.2009, Đức Hồng Y GB. Pham Minh Mẫn đã nêu lên ba mục tiêu của Truyền Thông Công Giáo theo Công đồng Vatican II . Đây cũng chính là ba mục tiêu chính (vision) mà Ban Truyền Thông Tổng Giáo Phận TP.HCM phải nhắm đến trong mọi hoạt động của mình, đó là:
1.      Chân lý toàn vẹn là Tin Mừng Đức Kitô được loan báo và thực thi mọi nơi mọi lúc;
2.      Văn hóa Sự Sống và văn minh Tình Thương của Tin Mừng được phát huy trong mọi môi trường;
3.  Dòng chảy hiệp thông trong Tổng Giáo Phận được khai thông tốt đẹp nhờ việc tích cực chia sẻ kinh nghiệm sống-đức-tin và làm-chứng cho Đức Kitô.
Khởi đi từ ba mục tiêu (viễn tượng) trên, Đức Hồng Y đã vạch ra các hoạt động chính (sứ mạng) và các kế hoạch làm việc dưới đây để Ban Truyền Thông Tổng Giáo Phận TP.HCM nghiên cứu và thực hiện. Kế hoạch này có tính cách lý tưởng, là một định hướng để thực hiện dần dần, tuỳ hoàn cảnh để thực hiện từng bước vững chắc trong thực tế.
   B. HOẠT ĐỘNG CHÍNH (MISSION, SỨ MẠNG)
Để đi tới viễn tượng (ba mục tiêu chính) trên, Ban Truyền Thông TGP.TPHCM có sứ mạng:
1.      Sử dụng mọi phương tiện truyền thông (media);
2.      Thực hiện công tác Quan hệ Quần chúng (PR) cho Giáo Hội, đồng thời cộng tác với mọi cá nhân và tập thể trong lãnh vực truyền thông;
3.      Tổ chức huấn luyện về truyền thông cho các thành viên của Tổng Giáo Phận, đồng thời thường xuyên nghiên cứu sâu rộng hơn về truyền thông;
4.      Lên lịch trình truyền thông và thường xuyên nhận định đánh giá về việc thực hiện lịch trình truyền thông của Tổng Giáo Phận.
II. KẾ HOẠCH
Để thực hiện viễn tượng và sứ mạng của mình, Ban Truyền Thông thành lập bốn Nhóm Hoạt Động:
- Nhóm Phương Tiện Truyền Thông (Media)
- Nhóm Quan Hệ Công Chúng (PR)
- Nhóm Huấn Luyện (Training)
- Nhóm Kế Hoạch (Planning)
Mỗi nhóm cần hiểu rõ nhiệm vụ của nhóm mình, sau đó lên chương trình và kế hoạch thích hợp cho nhóm của mình. Nhóm Kế Hoạch sẽ liên kết phối hợp chương trình của cả bốn nhóm để làm thành một Chương trình Truyền Thông duy nhất cho Ban Truyền Thông TGP.TPHCM.
   A. NHIỆM VỤ CỦA NHÓM MEDIA (PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG)
Để thực hiện việc loan báo Tin Mừng, phát huy văn hoá sự sống & tình thương, và phát triển sự hiệp thông, Nhóm Media có nhiệm vụ nghiên cứu, sử dụng và hỗ trợ các thành viên của TGP sử dụng mọi phương tiện truyền thông trong công tác mục vụ và truyền giáo của TGP.TPHCM. Những phương tiện truyền thông này gồm có:
- In ấn: sách báo, tạp chí, tập san, bản tin, sổ tay, tờ bướm, lịch Công giáo, hình ảnh, và các vật dụng có in hình và chữ như: bích chương, băng-rôn, áo thun, mũ, túi xách, ly tách… (có in hình/chữ kỷ niệm);
- Hội họa, Điêu khắc, Nhiếp ảnh, Video và Băng Hình;
- Phim ảnh;
- Podcasting;
- Phương tiện truyền thông hiện đại: vi tính, internet, website, blog, social media, cellphone, iPhone, iPod…
- Phương tiện truyền thông văn hoá dân gian: ca vũ nhạc kịch dân tộc (chèo, cải lương, chiêng trống…), kể chuyện, ngâm thơ, tục ngữ, ca dao, câu hò đối đáp…
Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay ở Việt Nam, nhóm Media cần lên kế hoạch phù hợp trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông này một cách thực tiễn như sau:
      1. In ấn
- Những sách Công giáo và những sách có nội dung tốt cần phải được cổ võ nhiều hơn để được biên soạn, xin phép ấn hành và tiêu thụ, thưởng thức, nhằm mở mang và đào sâu kiến thức nhân bản, đức tin, Kinh thánh, thần học, linh đạo… So sánh với sách báo của Phật giáo được bầy bán ở các nhà sách công cộng, thì sách báo của Công giáo được phát hành còn quá ít.
- Cần cổ võ việc lập thêm những thư viện, nhà sách, phòng đọc sách trong Tổng Giáo Phận và cả trong các giáo xứ. Nhờ các thư viện lớn nhỏ được điều hành tốt, sách, tạp chí, băng đĩa có thể được mượn miễn phí, hoặc với chi phí rất thấp, sẽ rất hữu ích cho các chuyên gia, sinh viên, học sinh, và những người có nhu cầu.
- Có một hai tạp chí Công giáo đang được phép phát hành tại Việt Nam. Người tín hữu cũng cần được kêu mời đón mua, đọc và cho những nhận xét để làm cho nội dung của những tạp chí đó mỗi ngày một tốt hơn.
- Tờ Tin (hàng tuần) và Đặc San (hàng năm) của các giáo xứ cần được hỗ trợ và khuyến khích thực hiện để gửi đến cho giáo dân. Đây là những phương tiện tuyệt vời làm cho cộng đoàn giáo xứ được phong phú với những thông tin về các hoạt động của giáo xứ và các lời giáo huấn. Tờ Tin và Đặc San của TGP và các cộng đoàn cũng rất cần được thực hiện.
- Những sách nhỏ và tờ bướm có hình ảnh và bài viết giới thiệu về Tổng Giáo Phận cần được ấn hành và luôn có sẵn để gửi đến cho những nhà nghiên cứu và các khách tham quan Nhà thờ Chánh tòa, Tòa Giám mục, Chủng viện, Trung tâm Mục vụ…
- Các loại lịch Công giáo vẫn thường được in ra và bầy bán vào các ngày cuối năm. Cần cổ võ để nội dung và hình ảnh được chất lượng hơn.
- Các vật dụng có in hình và chữ như: hình ảnh, bích chương, băng-rôn, áo thun, mũ, túi xách, ly tách (có in hình/chữ kỷ niệm)… cũng cần được nghiên cứu sử dụng cách hữu hiệu cho việc mục vụ và truyền giáo.
- Cần thực hiện và phổ biến những bài viết nhận xét phê bình các tác phẩm như: điểm sách, điểm báo, điểm phim và kịch nghệ, nhận xét các chương trình TV, các websites…
- Cần tổ chức những cuộc gặp gỡ giao lưu dành cho những người làm việc trong ngành in viết sách báo, thư viện, nhà sách… Nên có những giải thưởng hoặc những hình thức vinh danh dành cho những nhân vật xuất sắc trong ngành.
- Phát huy văn-hoá-đọc (sách): cổ võ việc đọc sách, giới thiệu sách hay, sách đẹp, bảo vệ sự tinh tuý của tiếng Việt.
  2. Hội họa, Điêu khắc, Nhiếp ảnh, Video và Băng Hình
Đây là những phương tiện tạo hình (tĩnh hoặc động) có giá trị truyền thông lôi cuốn sâu đậm và lâu bền (vd. các tác phẩm mỹ thuật trong các đại giáo đường ở Vatican, các băng đĩa tôn giáo được xem trong các gia đình và các lớp giáo lý), vì thế rất cần được cổ động phát huy để sử dụng cách thích hợp và hữu hiệu trong phụng vụ, mục vụ và truyền giáo:
- Cần tổ chức những cuộc triển lãm nhiếp ảnh, hội họa Công giáo để phát huy tài năng và phổ biến những tác phẩm Công giáo có giá trị.
- Cần thực hiện và phổ biến nhiều băng hình tôn giáo và nhân bản có nội dung và chất lượng cao. TGP cần có studio để thực hiện những băng đĩa cần thiết.
- Cần tổ chức những cuộc gặp gỡ giao lưu dành cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh, hội họa, điêu khắc và video. Nên có những giải thưởng hoặc những hình thức vinh danh dành cho những nghệ sĩ và những nhân vật xuất sắc trong ngành.
      3. Phim ảnh
Đây là một phương tiện truyền thông có sức lôi cuốn phi thường khiến người xem say mê thưởng thức quên cả mệt mỏi. Vì thế cần có kế hoạch mục vụ đặc biệt về phim ảnh cho TGP, nhất là cho các giáo xứ.
         a. Mục vụ phim ảnh giáo xứ
Mục vụ phim ảnh giáo xứ có thể bao gồm:
- Sử dụng film clips trong bài giảng, giáo lý, phụng vụ, huấn luyện, công tác xã hội…;
- Xây dựng phòng chiếu phim cho giáo xứ;
- Lập Câu lạc bộ Phim ảnh;
- Thực hiện chương trình giáo dục về phim ảnh cho giáo dân.
             • Film Clips
Những film clips, được lựa chọn kỹ lưỡng và với độ ngắn thích hợp, sẽ là phương tiện rất tốt để minh họa cho:
- Các bài giảng trong Thánh lễ (film clips phải rất ngắn và cực kỳ phù hợp);
- Các bài giảng trong các lớp giáo lý, các khóa huấn luyện;
- Các buổi nói chuyện cổ võ công tác xã hội, tham gia sinh hoạt giáo xứ…
Nhờ hình ảnh sống động, nhạc nền và câu chuyện lôi cuốn trong film clips, các bài giảng sẽ tác động trên cử tọa cách mãnh liệt và sâu đậm hơn rất nhiều.
            • Phòng chiếu phim
Tông huấn Vigilanti số 25 của ĐTC Pio XI đề nghị các giáo xứ xây dựng phòng chiếu phim để cổ võ những phim có giá trị. Ngày nay, nhiều gia đình cũng có phòng chiếu phim riêng, nên việc xây dựng phòng chiếu phim cho giáo xứ cũng là chuyện bình thường, nhưng lại rất cần thiết và hữu ích cho giáo dân. Tất nhiên cũng tùy theo hoàn cảnh và tùy theo mối quan hệ với chính quyền địa phương để có thể thực hiện được điều này. Phòng chiếu phim có thể là:
- “Full time” với chương trình chiếu phim định kỳ đều đặn dành cho những cử toạ có đăng ký, hoặc dành cho các Câu lạc bộ Phim ảnh giáo xứ, hay cho những người tham gia Chương trình huấn luyện về phim ảnh của giáo xứ
- “Part time” với chương trình chiếu phim bất thường dành cho những cử toạ đặc biệt như giáo lý viên, sinh viên…
Phòng chiếu phim cần phải nhờ chuyên viên để có những kỹ thuật cần thiết, và có bộ sưu tầm phim ảnh theo các chủ đề: tôn giáo, Kinh thánh, Chúa Giêsu, “nhân vật giống Giêsu”, Đức Mẹ, các Thánh, đời tu, các nhân đức, hôn nhân và gia đình…
Phòng chiếu phim cần phối hợp với Câu lạc bộ phim ảnh và Chương trình giáo dục về phim ảnh của giáo xứ để có những hoạt động thích hợp.
            • Câu lạc bộ phim ảnh
Câu lạc bộ phim ảnh gồm những nhóm người yêu thích phim ảnh, gặp gỡ nhau định kỳ để xem phim với nhau và chia sẻ với nhau về: những nhận định phê bình, những thông tin về phim ảnh, những ảnh hưởng của phim ảnh và mục vụ phim ảnh.
Những mục tiêu của Câu lạc bộ phim ảnh:
- Tạo điều kiện cho những cuộc bàn luận về những kinh nghiệm thưởng thức phim ảnh.
- Hiểu biết và nhận thức rõ hơn về phim ảnh.
- Phát triển khả năng phát hiện những ý nghĩa tâm linh và tôn giáo trong phim.
Câu lạc bộ phim ảnh cần phối hợp với Phòng chiếu phim và Chương trình giáo dục về phim ảnh của giáo xứ để có những hoạt động thích hợp. Và những sinh hoạt như thế của Câu lạc bộ phim ảnh tất nhiên là rất hữu ích cho các tín hữu.
            • Chương trình giáo dục về phim ảnh
Huấn thị “Communio et Progressio” nói rất nhiều và rất kỹ về việc giáo dục phim ảnh cho các tín hữu. Dựa vào những giáo huấn này, Chương trình giáo dục về phim ảnh của giáo xứ có thể được thực hiện như sau:
                   Nội dung huấn luyện:
- Kỹ thuật và ngôn ngữ phim ảnh.
- Khả năng thưởng thức, phê bình và tinh thần trách nhiệm trong việc xem phim.
- Phương pháp phát hiện các ý nghĩa tâm linh và tôn giáo trong phim.
                    Thời khoá biểu:
- Cần có thời khoá biểu huấn luyện cho từng giới trong giáo xứ về phim ảnh.
- Thời khoá biểu ghi rõ: đối tượng, phương pháp, thời gian, nơi chốn.
- Cổ vũ tài năng bằng những cuộc thi đua và giải thưởng.
         b. Mục vụ phim ảnh giáo phận
- Giáo phận hỗ trợ các giáo xứ và các cộng đoàn khác trong việc thực hiện mục vụ phim ảnh.
- Giới thiệu phim ảnh và đưa ra những nhận định hướng dẫn.
- Tổ chức những cuộc thi đua và giải thưởng nhằm phát hiện và cổ vũ tài năng.
      4. Podcasting (Audio & Video trên Internet)
Cần khuyến khích các tín hữu sử dụng phương tiện thích hợp để xem/nghe podcast Công giáo (video và audio Công giáo trên Internet), đồng thời cần cổ võ các website Công giáo thực hiện các chương trình podcast (video & audio) trên website của mình. Những chương trình podcasting này nên được ghi lại trên VCD & DVD để dễ phổ biến và thưởng thức.
Truyền thanh và Truyền hình, hiện nay hoàn toàn do Nhà Nước quản lý. Tuy nhiên, các tín hữu có thể góp ý để những chương trình radio và TV này được cải tiến chất lượng hơn. Và các tín hữu cũng cần được giới thiệu đón nghe những chương trình phát thanh công giáo quốc tế bổ ích như Radio Vatican, Radio Veritas Asia…
      5. Phương tiện truyền thông hiện đại
Phương tiện truyền thông hiện đại (new media) là danh từ dùng để chỉ những phương tiện truyền thông chỉ có thể được tạo lâp hoặc sử dụng nhờ vi tính, thường có tính giao lưu trực tuyến và mang dạng kỹ thuật số như: internet, website, email, blog, social media, những chương trình internet có thể thu lại và sử dụng trên cellphone, iPhone, iPod…
Gần đây, các ĐGH Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI thường xuyên lên tiếng nhắc nhở con cái Giáo Hội sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để loan báo Tin Mừng.
Đối với những phương tiện truyền thông hiện đại, nhóm Media nhiệm vụ:
         a. Vi tính và Internet
- Cần cổ võ tín hữu học và sử dụng vi tính và Internet (vì ngày nay người ta thường nói: mù vi tính chẳng khác gì mù chữ).
- Cần phổ biến những ích lợi cũng như những cạm bẫy của Internet để có thể sử dụng nó cách hữu ích.
         b. Website, Email, Blog và Social Media
- Website, Email, Blog và Social Media là những phương tiện truyền thông hiện đại rất hữu hiệu để công bố Lời Chúa và hiệp thông với nhau. Vì thế, các giáo xứ cũng như các cộng đoàn cần được khuyến khích có website riêng. Các giáo xứ và các cộng đoàn có thể vào Social network Titoco của website tgpsaigon.net để tạo “web miễn phí” cho mình.
- Con cái Giáo Hội được mời gọi viết blog vì blog ghi lại những cảm nghiệm diễn ra trong đời thường, những cảm nhận rất thật và rất mãnh liệt của cá nhân, nên có sức hút rất mạnh.
         c. Cell phone, iPhone, iPod
Cell phone, iPhone, iPod đã trở nên phổ biến, đặc biệt nơi giới trẻ. Giới trẻ thường dùng những phương tiện này để thu nhận những chương trình như podcast, MP3, những hình ảnh, video clips thú vị… từ các websites. Vì thế các websites Công giáo cần có những chương trình thích hợp để có thể đến được với các cell phone, iPhone, iPod…
      6. Phương tiện truyền thông văn hoá dân gian
Phương tiện truyền thông văn hoá dân gian rất phong phú đa dạng, bao gồm rất nhiều thể loại: ca vũ nhạc kịch dân tộc (chèo, cải lương, chiêng trống…), kể chuyện, ngâm thơ, tục ngữ, ca dao, câu hò đối đáp… Những phương tiện này chuyển tải những tình tự ngọt ngào của quê hương, thấm đẫm hồn dân tộc.
Các tín hữu Việt Nam cần được đào luyện nhuần nhuyễn về việc sử dụng những phương tiện tuyệt diệu này để chuyển tải Lời diễm lệ của Chúa đến với dân tộc Việt.

   B. NHIỆM VỤ CỦA NHÓM PR (QUAN HỆ CÔNG CHÚNG)
Để thực hiện việc loan báo Tin Mừng, phát huy văn hoá sự sống & tình thương, và phát triển sự hiệp thông, Nhóm PR có nhiệm vụ:
- Thu thập kinh nghiệm truyền thông, hỗ trợ và liên kết các hoạt động truyền thông của mọi thành viên của TGP.
- Cộng tác và mời gọi sự hợp tác của các chuyên viên truyền thông từ: các cộng đoàn Công giáo, không Công giáo, luật sư, khuyết tật…
- Tăng cường mối quan hệ và hợp tác (trong những hoạt động tốt đẹp) với mọi cá nhân, mọi cộng đoàn, và với chính quyền.
- Thực hiện công tác Quan hệ Công chúng (PR) cho Giáo Hội.
Nhiệm vụ này được triển khai trong những nét chính yếu sau đây:
      1. Liên kết các hoạt động truyền thông
Ban Truyền Thông TGP không thể và cũng không cần thiết phải làm mọi sự về truyền thông cho TGP. Mỗi cộng đoàn của TGP đều có những hoạt động truyền thông của riêng mình. Một trong những nhiệm vụ chính của Ban Truyền Thông là thu thập những kinh nghiệm truyền thông quý giá ấy, đồng thời hỗ trợ và liên kết các hoạt động truyền thông của mọi thành viên của TGP. Nhóm PR của Ban Truyền Thông có nhiệm vụ lên kế hoạch để thực hiện được công việc thu thập và liên kết này.
      2. Phát huy sự hợp tác của các chuyên viên truyền thông
Truyền thông là việc của mọi người, đặc biệt là nghề nghiệp của các chuyên viên truyền thông. Vì lãnh vực truyền thông rất mênh mông đa dạng, nên sự hợp tác với nhau của các chuyên viên truyền thông là hết sức cần thiết để nhiệm vụ truyền thông của TGP có thể chu toàn. Nhóm PR cần lên chương trình phát hiện, gặp gỡ, giao lưu, tạo một môi trường tốt cho sự hợp tác của các chuyên viên truyền thông.
      3. Tăng cường các mối quan hệ tốt đẹp
Nhóm PR cần nghiên cứu cách tăng cường mối quan hệ và hợp tác (trong những hoạt động tốt đẹp) với mọi cá nhân, mọi cộng đoàn, và với chính quyền. Chỉ khi mối quan hệ này được tốt đẹp, những hoạt động truyền thông mới đạt được những kết quả mong muốn.
      4. Thực hiện công tác Quan hệ Công chúng (PR) cho Giáo Hội
Nhiệm vụ chính của nhóm PR là nghiên cứu công chúng và công luận với những phương pháp chuyên môn của ngành PR.
Từ việc hiểu biết về công chúng và công luận, Nhóm PR sẽ:
- Cộng tác với nhóm Kế Hoạch (Planning) để cùng lên một kế hoạch truyền thông thực sự hữu ích cho công chúng và tạo được một công luận thuận lợi.
- Cộng tác với nhóm Media (Phương Tiện Truyền Thông) để gửi tin đến cho những cơ quan truyền thông và những ai có nhu cầu, nhằm giúp họ nhận được những tin tức và sứ điệp của Giáo Hội, nhờ vậy họ sẽ có được hình ảnh tốt đẹp chân thực về Hội Thánh Chúa.
- Cộng tác với nhóm Huấn Luyện (Training) để làm cho chương trình huấn luyện Mục vụ Truyền Thông thích hợp và hữu ích tối đa cho công chúng.
- Cộng tác với nhóm Kế Hoạch (Planning) để thường xuyên nhận định đánh giá việc thực hiện chương trình Truyền Thông.
- Lên kế hoạch “Tiếp thị Tin Mừng” cho Giáo Hội.

   C. NHIỆM VỤ CỦA NHÓM HUẤN LUYỆN (TRAINING)
Để thực hiện việc loan báo Tin Mừng, phát huy văn hoá sự sống & tình thương, và phát triển sự hiệp thông, Nhóm Huấn Luyện (Training) có nhiệm vụ tổ chức việc đào tạo và huấn luyện Truyền Thông cho các thành phần khác nhau của TGP về:
- Cách tiếp thu và phê bình các nội dung truyền thông dưới ánh sáng Tin Mừng và giáo huấn của Hội Thánh.
- Cách sử dụng phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng và cổ võ văn hoá sự sống và tình yêu.
- Giáo lý, thần học và linh đạo Truyền Thông.
- Phương pháp “làm PR” và “Tiếp thị Tin Mùng” cho Giáo Hội.
Các kiến thức này được hệ thống hoá trong các môn học về Mục vụ Truyền Thông sau đây:
      1. Tổng quan về Truyền Thông
a.      Ý niệm Truyền Thông
b.      Lịch sử Truyền Thông
c.      Các lý thuyết về Truyền Thông
d.      Các phương tiện truyền thông
      2. Truyền Thông và Văn Hoá
a. Các ý niệm: Văn Hoá và Truyền Thông
b. Cơ cấu xã hội, giao lưu vô ngôn và hữu ngôn
c. Những giá trị, quan điểm và cảm thức
d. Vai trò của Truyền Thông trong việc giao lưu văn hoá
e. Truyền thông dân tộc dân gian
f. Giáo Hội và Truyền thông giao lưu văn hoá
g. Hội nhập văn hoá và toàn cầu hoá
      3. Thần học và Linh đạo Truyền Thông
a. Thần học Truyền Thông
b. Linh đạo Truyền Thông
c. Giáo Hội và Truyền Thông
d. Đạo đức Truyền Thông
e. Huấn luyện Truyền Thông
      4. Giáo huấn của Giáo Hội về Truyền Thông
a. Giáo huấn về Truyền Thông trước thời Gutenberg
b. Giáo huấn về Truyền Thông ngay sau thời Gutenberg
c. Các sắc lệnh và tông huấn quan trọng về Truyền Thông
d. Các huấn thị của Hội đồng giáo hoàng về Phương tiện truyền thông
e. Giáo huấn của các Đức Giáo Hoàng về Truyền Thông.
      5. Mục vụ tổng quan về các phương tiện truyền thông
a. Mục vụ Truyền Thông cho các cấp trong Giáo Hội
b. Mục vụ In ấn
c. Mục vụ Phim ảnh, Video và Băng Hình
d. Mục vụ Phát sóng
e. Mục vụ về các Phương tiện truyền thông hiện đại
f. Mục vụ về các Phương tiện truyền thông văn hoá dân gian
      6. Mục vụ chuyên biệt về Phim ảnh
a. Lịch sử Phim ảnh
b. Những khả năng và thách đố của Phim ảnh
c. Các giáo huấn của Giáo Hội về Phim ảnh
d. Mục vụ Phim ảnh
e. Những phim về Chúa Giêsu
f. Đạo đức Phim ảnh
g. Phương pháp phát hiện ý nghĩa tâm linh và tôn giáo khi xem phim
      7. Mục vụ chuyên biệt về Phát sóng và Podcating
a. Mục vụ Truyền Thanh
b. Mục vụ Truyền Hình
c. Mục vụ Podcasting
      8. Mục vụ chuyên biệt về Truyền thông hiện đại
a. Định nghĩa New Media
b. Lý thuyết về Xã hội Tin học (Information Society)
c. Tin Mừng trong thế giới Internet (Cyberspace)
d. Tin Mừng trong thế giới thị trường
e. Giáo huấn của Giáo Hội về New Media và New Forum
f. Đạo đức trong thế giới Tin học
      9. Mục vụ chuyên biệt về Internet, Blog và Social Media
a. Mục vụ Internet
b. Mục vụ Blog
c. Mục vụ Social Media
      10. Quan hệ Công chúng (PR) và Tiếp thị Tin Mừng cho Giáo Hội
a. Quan hệ Công chúng (PR) cho Hội Thánh
b. Tiếp thị Tin Mừng.
Đấy là các môn học Truyền Thông mang tính trường lớp và kinh điển, được dạy trong các học viện. Từ các nội dung này, nhóm Huấn Luyện sẽ tuỳ nghi, tuỳ đối tượng và tuỳ nhu cầu để tổ chức các khoá học ngắn ngày (với nội dung nhẹ nhàng hơn), các cuộc hội thảo chuyên đề (symposium, seminar, workshop), các buổi tĩnh tâm mang chủ đề Truyền Thông…
Ngoài ra, nhóm Huấn Luyện cần phải tổ chức việc thường xuyên nghiên cứu sâu rộng hơn về Truyền Thông.

   D. NHIỆM VỤ CỦA NHÓM KẾ HOẠCH (PLANNING)
Để thực hiện việc loan báo Tin Mừng, phát huy văn hoá sự sống & tình thương, và phát triển sự hiệp thông, Nhóm Kế Hoạch (Planning) có nhiệm vụ:
- Lên một kế hoạch tổng quát cho cả Ban Truyền Thông.
- Nhận xét về kế hoạch chi tiết của các Nhóm Media, PR và Training, sau đó đôn đốc thực hiện.
- Phối hợp kế hoạch của ba nhóm này để làm thành một Thời khoá biểu duy nhất (Thời khoá biểu từng năm năm, ba năm, một năm, lục cá nguyệt, tam cá nguyệt…) cho cả Ban Truyền Thông, và theo dõi cũng như đôn đốc để mọi việc diễn tiến đúng với thời khoá biểu.
- Điều chỉnh kế hoạch và thời khoá biểu cho đúng với thực tế, nếu cần.
- Lên chương trình cho những biến cố đặc biệt như: Ngày Quốc tế Truyền Thông, các buổi hội thảo, tĩnh tâm, lễ hội, lên kế hoạch kịp thời để giải quyết những khủng hoảng, những xì-căng-đan…
- Thường xuyên nhận định đánh giá việc thực hiện kế hoạch và chương trình.
Việc nhân định đánh giá sinh hoạt, kế hoạch và chương trình của Ban Truyền Thông không phải là việc sau cùng của nhóm Kế Hoạch. Đó là nhiệm vụ chính của nhóm, cần được thực hiện ngay từ đầu và thực hiện thường xuyên luôn mãi để có thể điều chỉnh mọi việc kịp thời. Có thể phân chia thành 3 loại nhận định đánh giá:
- Đánh giá việc thực hiện: Nhận xét xem việc thực hiện có theo đúng kế hoạch hay không. Phân tích nguyên nhân để đưa ra những quyết định thích hợp
- Đánh giá việc điều chỉnh thích nghi: Nhận xét theo định kỳ mọi hoạt động, phát hiện những hậu quả chưa lường trước, đưa ra giải pháp chỉnh sửa kịp lúc, và đánh giá xem việc chỉnh sửa này được thực thi như thế nào.
- Đánh giá hiệu quả: Nhận xét về hiệu quả sau cùng của từng giai đoạn.


   E. DIỄN TIẾN CỦA VIỆC SOẠN THẢO KẾ HOẠCH VÀ THỰC HIỆN
Sau khi nhận định rõ mục tiêu (loan báo Tin Mừng, phát huy văn hoá sự sống & tình thương, phát triển sự hiệp thông) và nhiệm vụ của mình, mỗi nhóm sẽ soạn thảo kế hoạch cho nhóm mình qua những giai đoạn sau đây:
      1. Nghiên cứu hoàn cảnh
Nghiên cứu hoàn cảnh trong ngoài để nhận định những thuận lợi tích cực cũng như những cản trở, thách đố tiêu cực.
      2. Tiên liệu những bất ngờ
Tiên liệu những bất ngờ tích cực hoặc tiêu cực có thể xẩy ra, vd. những thay đổi chính sách, thay đổi nhân sự đột xuất, những mất mát nhân sự, những tai ương, rủi ro hoặc những may mắn bất ngờ…
      3. Soạn thảo kế hoạch
Soạn thảo kế hoạch chi tiết, kèm theo những giải pháp nhằm giải quyết hoặc thích nghi những cản trở, thách đố và những thay đổi bất ngờ nói trên.
      4. Biên soạn thời khoá biểu
Biên soạn thời khoá biểu vài năm, một năm, hoặc vài tháng…
      5. Nhận định đánh giá theo định kỳ
Nhận định đánh giá theo định kỳ nhằm phát hiện những hậu quả chưa lường trước được để điều chỉnh kịp thời.

Tổng Giáo Phận TP.HCM, ngày 30 tháng 12 năm 2009
Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
Hồng Y, Tổng Giám Mục TGP. TP.HCM

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

SỨ ĐIỆP NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI LẦN THỨ 44

 CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

« Linh mục và việc mục vụ trong thế giới kỹ thuật số : những phương tiện truyền thông mới phục vụ Lời Chúa »

(Chúa Nhật 16/05/2010)

Anh chị em thân mến,

Đề tài của Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội sắp đến – « Linh mục và việc mục vụ trong thế giới kỹ thuật số : những phương tiện truyền thông mới phục vụ Lời Chúa » – , thật thích hợp được lồng vào trong hành trình của Năm Linh Mục, và đặt lên hàng đầu suy tư về một lãnh vực mục vụ rộng lớn và tế nhị như lãnh vực của truyền thông và của thế giới kỹ thuật số, trong đó người linh mục được ban tặng những khả năng mới mẻ thực thi thừa tác vụ phục vụ Lời Chúa của mình. Từ rất lâu đời, những phương tiện truyền thông hiện đại thuộc về những phương tiện thông thường được các cộng đoàn giáo hội sử dụng để diễn đạt trong những giới hạn của lãnh thổ riêng của họ và, rất thường, để thiết lập những hình thức trao đổi trên quy mô rộng lớn hơn, nhưng việc mở rộng của chúng gần đây và ảnh hưởng đáng kể của chúng luôn làm cho việc sử dụng chúng trong thừa tác vụ linh mục trở nên quan trọng và hữu ích hơn.

Bổn phận hàng đầu của linh mục là loan báo Chúa Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa làm người, và thông truyền ân sủng cứu độ đa dạng của Thiên Chúa xuyên qua các bí tích. Được triệu tập bởi Lời Chúa, Giáo Hội thừa nhận mình như là dấu chỉ và dụng cụ của sự hiệp thông mà Thiên Chúa thực hiện với con người và mỗi linh mục được kêu gọi để xây dựng sự hiệp thông đó trong Ngài và với Ngài. Đó là phẩm giá và vẻ đẹp rất cao trọng của sứ vụ linh mục trong đó được thể hiện cách đặc biệt lời khẳng định của thánh Phaolô :
 « Quả thế, Kinh Thánh nói :
Bất kỳ ai tin vào Người sẽ không phải hối tiếc… Quả thế, tất cả những ai kêu cầu danh Chúa đều sẽ được cứu thoát.
Thế nhưng, làm sao họ kêu cầu vị Chúa mà trước tiên không tin vào Ngài?
Làm sao tin Đấng họ không được nghe?
Làm sao nghe, nếu không có ai rao giảng?
Làm sao rao giảng, nếu không được sai đi? » (Rm 10, 11,13-15).

Để đưa ra những câu trả lời thích ứng với những câu hỏi ở giữa những biến chuyển văn hóa lớn lao mà thế giới của những người trẻ đặc biệt được cảnh báo, những con đường truyền thông được mở ra bởi những cuộc chinh phục công nghệ kỹ thuật giờ đây là một phương tiện không thể thiếu. Quả thế, khi nắm trong tay những phương tiện mang lại một khả năng diễn đạt hầu như vô hạn, thế giới kỹ thuật số mở ra những viễn ảnh hiện tại hóa đáng kể cho lời khích lệ của thánh Phaolô : « Vô phúc cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng ! » (1Cor 9, 16). Do đó, với việc phổ biến chúng, trách nhiệm loan báo không chỉ gia tăng, nhưng còn trở nên cấp bách hơn và đòi hỏi một sự dấn thân có động cơ và hữu hiệu hơn. Về phương diện này, người linh mục như là ở khởi đầu của một « lịch sử mới mẻ », bởi vì các công nghệ kỹ thuật hiện đại càng tạo nên những mối quan hệ mật thiết và thế giới kỹ thuật số càng mở rộng các biên cương của nó, thì người linh mục sẽ càng được mời gọi lưu tâm đến chúng về mặt mục vụ, gia tăng sự dấn thân của mình, để dùng các phương tiện truyền thông phục vụ Lời Chúa.

Tuy nhiên, việc mở rộng nhiều phương tiện truyền thông và « bảng các chức năng phong phú » của chúng có thể bao hàm nguy cơ của một việc sử dụng chủ yếu được gợi ý bởi đòi hỏi thuần túy là hiện diện ở đó, và, cách sai lầm, xem trang Web chỉ như là một nơi cần được chiếm ngữ. Trái lại, các linh mục được yêu cầu khả năng hiện diện trong thế giới kỹ thuật số trong sự trung thành liên lỉ với sứ điệp Tin Mừng, để thực thi vài trò người hướng dẫn cộng đoàn của họ, mà từ nay diễn đạt, thường luôn nhiều hơn nữa, giữa « những tiếng nói » đến từ thế giới kỹ thuật số, và loan báo Tin Mừng bằng cách dùng, bên cạnh những phương tiện truyền thống, phần cống hiến của thế hệ các phương tiện nghe nhìn mới (hình ảnh, vidéo, phim hoạt hình, blog, các trang web) mà biểu lộ những cơ hội đối thoại mới mẻ và ngay cả những dụng cụ không thể thiếu cho việc loan báo Tin Mừng và dạy giáo lý.

Xuyên qua những phương tiện truyền thông hiện đại, người linh mục sẽ có thể làm cho biết đến đời sống của Giáo Hội và giúp đỡ những con người hôm nay khám phá ra khuôn mặt của Chúa Kitô, bằng cách kết hợp cách sử dụng thích hợp và thông thạo những dụng cụ như thế, cũng được thủ đắc trong suốt thời gian đào tạo, bên cạnh một sử chuẩn bị thần học vững chắc và một linh đạo linh mục vững vàng, được nuôi dưỡng bởi cuộc đối thoại liên lỉ với Chúa. Hơn cả bàn tay của người điều khiển truyền thông, người linh mục, trong sự va chạm với thế giới kỹ thuật số, phải làm lộ ra tâm hồn thánh hiến của mình, để mang lại ‘linh hồn’ không chỉ cho sự dấn thân mục vụ, nhưng còn cho dòng truyền thông liên tục của « mạng lưới ».

Cũng trong thế giới kỹ thuật số, cần phải rõ rằng sự quan tâm yêu thương của Thiên Chúa trong Chúa Kitô dành cho chúng ta không phải là một điều của quá khứ hay là một công trình thông thái, nhưng là một thực tại cụ thể và hiện thực. Quả thế, việc mục vụ trong thế giới kỹ thuật số phải có thể cho con người của thời đại chúng ta, và cho nhân loại lầm lạc hôm nay, thấy « rằng Thiên Chúa gần gũi ; rằng trong Chúa Kitô, chúng ta hết thảy thuộc về nhau. » (Benoît XVI, Diễn từ cho Giáo Triều Rôma dịp chúc lễ Giáng Sinh : Nhật báo Osservatore Romano bằng tiếng Pháp, ngày 21 /12/ 2009, tr.8).

Còn ai hơn linh mục, với tư cách là người của Chúa, có thể phát triển và đem vào thực hành, xuyên qua những khả năng của mình trong lãnh vực những phương tiện kỹ thuật số mới mẻ, một sự mục vụ cho thấy Thiên Chúa sống động và đang hành động trong thực tại thường ngày và trình bày sự khôn ngoan tôn giáo của quá khứ như là một kho tàng phong phú mà, cần múc lấy ở đó để sống ngày hôm nay cách xứng đáng và xây dựng tương lai cách đúng đắn.

Nhiệm vụ của người làm việc trong các phương tiện truyền thông với tư cách là người được thánh hiến là nhiệm vụ mở ra con đường cho những cuộc gặp gỡ mới mẻ, bằng cách luôn đảm bảo phẩm chất của cuộc tiếp xúc của con người và sự quan tâm đối với những con người cũng như đối với những nhu cầu thiêng liêng đích thực của họ, bằng cách cho những người đang sống trong thời đại « kỹ thuật số » của chúng ta những dấu chỉ cần thiết để nhận ra Chúa ; bằng cách mang lại cơ hội vun trồng sự mong đợi và niềm hy vọng và cơ hội lĩnh hội Lời Chúa mà cứu độ và tạo điều kiện cho sự phát triển con người toàn diện.

Như thế, Lời Chúa sẽ có thể băng qua giữa những ngã đường vô số được tạo nên do mạng lưới giao nhau của những đường cao tốc đang cày nên không gian mạng và khẳng định « quyền công dân » của Thiên Chúa cho dầu vào thời đại nào, để, xuyên qua những hình thức truyền thông mới mẻ, Ngài có thể tiến bước trên những con đường dài của thành phố và dừng lại ở ngưỡng cửa của những mái nhà và những tâm hồn để vẫn còn nói : « Này đây ta đứng trước cửa và gõ. Nếu ai nghe tiếng ta và mở cửa, thì ta sẽ vào nhà người ấy, ta sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với ta » (Kh 3, 20).

Trong sứ điệp năm ngoái, tôi đã khích lệ các vị hữu trách các doanh nghiệp truyền thông thăng tiến một nền văn hóa tôn trọng đối với phẩm giá và giá trị của nhân vị. Đó là một trong những con đường mà Giáo Hội được kêu gọi thực thi « việc phục vụ nền văn hóa » trên « châu lục kỹ thuật số » hôm nay. Với Tin Mừng trên tay và trong tâm hồn, cần phải tái khẳng định rằng cũng đến lúc tiếp tục chuẩn bị những con đường dẫn đến Lời Chúa, mà không chểnh mảng lưu tâm đặc biệt đến những ai đang ở trong hoàn cảnh tìm kiếm, và còn hơn nữa, không chểnh mảng canh chừng như là bước đầu tiên của việc loan báo Tin Mừng.

 Quả thế, việc mục vụ trong thế giới kỹ thuật số được mời gọi cũng lưu tâm đến những người không tin, những người nản chí và những người mang trong tâm hồn những ước muốn cái tuyệt đối và chân lý chóng qua, vì những phương tiện mới cho phép bước vào trong sự liên lạc với những tín hữu của mọi tôn giáo, với những người không tin và những người thuộc về các nền văn hóa khác. Như ngôn sứ Isaia đã đi đến chỗ hình dung một ngôi nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc (x. Is 56, 7), chúng ta có thể giả thiết rằng – như « hành lang của dân ngoại » trong Đền Thờ Giêrusalem – trang web cũng có thể mở ra một không gian cho những người mà Thiên Chúa còn vô danh đối với họ.

Việc phát triển những công nghệ kỹ thuật mới và, trong toàn bộ của nó, thế giới kỹ thuật số biểu thị một tài nguyên quý giá cho toàn thể nhân loại và cho con người trong tính độc đáo của hữu thể của nó, cũng như là một động viên cho việc gặp gỡ và đối thoại. Nhưng chúng cũng được giới thiệu cho các tín hữu như là một cơ hội lớn lao. Quả thế, không có con đường nào có thể và phải bị đóng lại đối với những ai, nhân danh Chúa Kitô Phục Sinh, dấn thân trở nên luôn gần hơn với con người. Do đó, những phương tiện truyền thông mới trước tiên mang lại cho các linh mục những viễn ảnh luôn luôn mới mẻ và bao la về mặt mục vụ, mà thúc đẩy các ngài làm nổi bật chiều kích phổ quát của Giáo Hội, vì một sự hiệp thông rộng lớn và cụ thể, trở nên những chứng tá, trong thế giới hôm nay, cho đời sống luôn luôn mới mẻ mà nảy sinh từ việc lắng nghe Tin Mừng của Chúa Giêsu, Người Con đời đời đã đến giữa chúng ta để cứu thoát chúng ta. Tuy nhiên, không được quên rằng sự phong nhiêu của thừa tác vụ linh mục, trước hết, phát xuất từ Chúa Kitô được gặp gỡ và lắng nghe qua đời sống cầu nguyện, được loan báo qua việc rao giảng và chứng tá bằng cuộc sống, được biết và yêu mến trong các Bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể và Hòa Giải.

Các linh mục rất quý mến, tôi lặp lại lời mời gọi nắm bắt cách khôn ngoan những cơ hội đặc biệt mà truyền thông hiện đại mang lại. Xin Chúa biến anh em thành những người loan báo say mê Tin Mừng ngay cả trong « công trường » do các phương tiện truyền thông hiện nay tạo nên.

Với những lời cầu chúc đó, tôi khẩn cầu sự bảo trợ của Mẹ Thiên Chúa và của Cha Sở Thánh xứ Ars xuống trên anh em và tôi ưu ái ban Phép lành Tòa Thánh cho mỗi một người.

Từ Vatican, ngày 24 tháng Giêng năm 2010, ngày lễ thánh Phanxicô Salê.

BÊNÊĐICTÔ XVI, Mục tử của các mục tử

Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ

LÁ THƯ MỤC TỬ

Tổng Giáo phận Thành phố HCM

NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI LẦN THỨ 44
(Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên, 16.5.2010)

Kính gởi linh mục, tu sĩ, giáo dân, thành viên gia đình giáo phận
Anh chị em thân mến,

1. Ngày Chúa nhật Chúa Thăng Thiên hằng năm đã được chọn làm Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội. Năm nay, ngày nầy là 16.5.2010, được cử hành nhằm:
  - Nhắc cho các tín hữu nhớ đến bổn phận của họ loan Tin Mừng trong lãnh vực truyền thông;
  - Mời gọi các tín hữu tham gia góp phần vào việc truyền thông;
  - Cầu nguyện cho Hội Thánh gặt hái kết quả trong lãnh vực truyền thông;
  - Trân trọng các chuyên viên truyền thông và khích lệ sự hợp tác của họ.

2. Đặc biệt, trong Năm Linh Mục, Đức Bênêđitô XVI kêu gọi các linh mục hãy sử dụng các phương tiện truyền thông, các kỹ thuật nghe-nhìn thuộc thế hệ mới nhất:
  - (a) nhằm loan báo Tin Mừng, đối thoại, dạy giáo lý;
  - (b) nhằm giới thiệu Giáo Hội và giúp mọi người khám phá khuôn mặt Đức Kitô.
Các linh mục sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ nầy nếu ngay từ lúc ở trong trường đào tạo, họ học biết cách sử dụng thích hợp và thông thạo những kỹ thuật hiện đại, đồng thời được uốn nắn bởi một sự thấu hiểu thần học lành mạnh, và phản ánh một linh đạo linh mục tín thác và trung thành bước theo vị Mục tử nhân lành, linh đạo đặt nền tảng trên cuộc gặp gỡ và đối thoại liên lỉ với Chúa Kitô.

3. Tôi đã gửi thư mời gọi các linh mục Hạt Trưởng và các linh mục chính xứ gửi các cộng tác viên tham gia sinh hoạt mục vụ truyền thông trong giáo phận, và đã mời gọi họ tham dự Khoá Mục vụ Truyền thông tổ chức tại Trung tâm Mục vụ của giáo phận.

4. Thư mời tham dự Ngày Thế Giới Truyền Thông, cử hành tại Trung tâm Mục vụ của giáo phận vào chiều 16.5.2010, cũng sẽ được gửi đi.

5. Tôi cũng mong Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội cũng được đưa ra học hỏi tại các cộng đoàn giáo xứ và dòng tu. Hy vọng nhờ thế mọi thành phần dân Chúa sẽ ý thức và tích cực sự dụng các phương tiện truyền thông để làm cho công cuộc loan Tin Mừng và nỗ lực hiệp thông trong giáo phận đạt kết quả tốt đẹp, vì sự sống toàn diện và vì sự phát triển vững bền của giáo phận, xã hội và đất nước.
1.5.2010Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng Y Tổng Giám mục

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

CÁC BẢN TIN - TRUYỀN THÔNG

TIN TGP SàiGòn
 
1- http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20100412/4518 
3-  Khóa huấn luyện MVDD TGP
4-  Đại Hội Loan Báo Tin Mừng TGP 2010  
5- Trường tình thương Hạt TSN Mừng Giáng Sinh 2010
6- TGP SaiGon Khai mạc Tuần lễ Quốc tế Di Dân 2011
7- Bế mạc Tuần lễ Quốc Tế Di Dân lần thứ 97
8- Phong Trào cursillo TGP - Ultreya Tân Niên
9- NGhi lễ Tuyển chọn các Dự Tòng tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn
 
Thiên Phúc - TGP.TPHCM: Cử hành Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 44
http://www.tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20100517/4909

Văn Phượng - GĐ PTTT Tổng Giáo Phận: Mừng bổn mạng
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20110626/11162
 
Tin GP MyTho
 

Bức tranh thú vị 
Slide daminhhung :   http://daminhhung.slide.com/
 Slide Gia đình Thêm sức 2010 :  
 
TIN Hạt Tân Sơn Nhì

1- Kỷ niệm 45 năm Hồng Ân Thánh Hiến & Mừng Thượng thọ Bát tuần của Cha Quản Hạt Tân Sơn Nhì, Chánh xứ Thiên Ân
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20100429/4723
2- Các HĐMVGX của Hạt Tân Sơn Nhì: Hành hương Năm Thánh
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20100505/4802
3-  Gx. Hy Vọng: Ấn tín Chúa Thánh Thần
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20100712/5792
5- Khóa huấn luyện MVDD TGP tại Hạt TSN
6- GĐPTTT TSN Mừng Bổn Mạng KiTô Vua 2010
7- G/x Phú Trung - Lễ an táng Cha Gioan Bt. Phạm Gioan
8- Giáo điểm truyền giáo Hạt TSN Mừng Bổn Mạng Phanxico X. 2010
9- Hội Thừa Sai VN khánh thành nhà Học Viện
10- Hạt Tân Sơn Nhì Tĩnh Huấn Mùa Vọng 2010
11- MVTT Hạt Tân Sơn Nhì: Hội thảo chuyên đề Truyền Thông & Truyền Giáo
12- Đại hội thiếu nhi hạt Tân Sơn Nhì
13- Hạt Tân Sơn Nhì : Bế Mạc Năm Thánh
14- G/x Phaolo Khai mac năm thánh và mừng 50 năm thành lập.
15-Hạt Tân Sơn Nhì: Tĩnh tâm mùa Chay 2011

*********

TIN G/x Tân Phú 
1- Gx. Tân Phú: Thánh lễ cho bệnh nhân ngày 29 tháng 3 năm 2010
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20100401/4404
2- Giáo xứ Tân Phú: Hội CBMCG mừng bổn mạng tháng 3-2010
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20100326/4347
3- G/x Tân Phú: Xây dựng Nhà Sinh hoạt - Giáo lý tháng 3-2010
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20100315/4240
4- X/đ Tân Phú thực thi bác ái Mùa Chay tháng 3-2010
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20100330/4382
5- Giáo xứ Tân Phú: Tam Nhật Thánh tháng 4-2010
http://tgpsaigon.net/thu-vien-anh/20100405/4483
6- Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Hạt Tân Sơn Nhì: Tĩnh tâm
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20100322/4297
7- X/Đ Tân Phú Mừng lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu 6-2010
http://tgpsaigon.net/thu-vien-anh/20100613/5296
8- Hình ảnh 13.10.2010 / Gx. Tân Phú: Mừng kính Đức Mẹ Fatima
9- G/x Tan Phu Tri Ân các Thánh Tử Đạo VN
10- G/x Tân Phú Cùng Mẹ Ra Khơi - Năm Thánh 2010
11-  G/x Tân Phú Mừng Bổn Mạng cha chánh xứ và hai cha phụ tá. 19-3-2011
12- G/x Tân Phú : CBMCG Mừng Bổn Mạng - Mẹ truyền Tin 25-3- 2011
13- GĐPTTT  G/x Tân Phú Hành hương -chia sẻ Mùa chay 2011
14-Gx. Tân Phú: Mừng bổn mạng và khai mạc tháng hoa 2011
15- Chương trình thăng tiến hôn nhân TGP Saigon Đại Hội 2011
16- G/x Tân Phú khành thành nhà sinh hoạt mục vụ 25-9-2011
17- G/x Tân Phú : Giỗ cha cố Đa Minh Vũ Nguyên Thiều
18- Gx. Tân Phú: Chung tay cứu trợ lũ lụt vùng ĐBSCL


**********

Bài: Bạch Yến & Ảnh: Văn Bắc
 - Gx. Tân Phú: Ngày trọng đại 224 thiếu nhi được Rước lễ lần đầu
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20110629/11221

Bài: Thiên Trang & Ảnh: Văn Bắc
- Giáo xứ Tân Phú: Lãnh nhận Ấn tín Chúa Thánh Thần
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20110614/10942

- vukhanhoa k1
Giáo xứ Tân Phú: Hướng về tương lai
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20100501/4752

vukhanhoa k1
- Giáo xứ Tân Phú: Lễ Đức Mẹ Fatima
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20100513/4874